[Tấm Cám] Chị Tấm Ơi Chị Tấm!

7.75/10 trên tổng số 12 lượt đánh giá
Tác Giả: Đề Cử
Tình Trạng: Hoàn Thành
Sinh ra với số phận của một nàng lọ lem chờ bạch mã hoàng tử đến ướm thử giày (tự nó cho là thế) Có dùng cả đời Linh cũng không thể ngờ được rằng nó sẽ xuyên không, mà lại xuyên không thành nhân vật p …
Xem Thêm

Chương 1: Học Thêm Giờ Ra Chơi Có Khiến Bạn Học Giỏi Môn Văn Hơn Không?
- Có khá nhiều dị bản về câu chuyện Tấm Cám này. Đa phần đều là chỉnh sửa kết của chuyện cho phần đặc sắc. Trong sách giáo khoa của các em chỉ đề cập đến hết đoạn Cám đã chết như thế nào, còn một phần đằng sau về dì ghẻ thì không nói đến. Có nơi thì kể dì ghẻ nghe tin con gái thì uất hận mà tức chết, cũng có chỗ nói dì ghẻ sau khi biết tin Tấm trở về thì sợ hãi bỏ nhà đi tha phương. Nhưng dị bản nổi tiếng nhất thì kể rằng sau khi Cám chết, Tấm sai đem xác làm mắm bỏ vào chĩnh gửi cho mụ dì ghẻ, nói là quà của con gái mụ gửi biếu. Mẹ con Cám tưởng thật lấy mắm ra ăn, bữa nào cũng nức nở khen ngon. Một con quạ ở đâu bay đến đậu trên nóc nhà kêu rằng: "Ngon ngỏn ngòn ngon! Mẹ ăn thịt con, có còn xin miếng?" Mẹ con Cám giận lắm, chửi mắng ầm ĩ rồi vác sào đuổi quạ. Nhưng đến ngày mắm gần hết, dòm vào chĩnh, mụ thấy đầu lâu của con thì lăn đùng ra chết. - Cô giáo dạy Văn vừa nói vừa lướt nhìn một lượt hơn 40 khuôn mặt vừa đói ăn vừa ngái ngủ phía dưới, âm thầm lắc đầu. Bọn học sinh này đúng là chả có tí tương lai nào cho đất nước cả.

.

Tiết học đầu tiên của ngày thứ 2 quả là quá đỗi cực hình với lớp 10 Hóa. Cớ làm sao một ngày đẹp trời như vậy chúng nó lại phải ở trong phòng học bí bách này thay vì được ngồi hóng gió mát ngoài sân và thấm nhuần các tư tưởng Đoàn Đội và nội quy nhà trường cơ chứ? Dù rằng phải bắt đầu một tuần mới khi chưa nghỉ ngơi đã đời thì học cái gì cũng chán, nhưng mà tiết Chào Cờ so với tiết Ngữ Văn rõ ràng dễ nuốt hơn nhiều. Nhất là khi đứa thì chưa ăn sáng, đứa thì ngủ chưa có đẫy giấc.

- Thế mới nói không phải Tấm hiền đâu các em ạ. Cô ta còn độc ác gấp vạn lần hai mẹ con nhà... - Cô giáo Ngữ Văn lại tiếp tục giảng bài với giọng đều đều.

TÙNG! TÙNG! TÙNG!

Cô giáo nhíu mày không vui, tiếng trống báo ra chơi đánh gãy hết cả cảm hứng truyền đạt tinh hoa dân tộc của cô nhưng với hơn 40 khuôn mặt kia thì nó đúng là vị cứu tinh của cả lớp. Mặt đứa nào đứa nấy hoan hỉ như được lì xì 500 nghìn ngày tết, không ai bảo ai cùng gấp sách cái bốp, đồng loạt, đều tăm tắp. Chỉ trừ một người...

- Thưa cô! Em thấy cô nói thế là không phải ạ. - Một cánh tay từ bàn 4 gần cửa sổ giơ lên, sau đó một thân hình có chút hơi mũm mĩm đứng dậy. Mái ngố dày và dài chạm mắt thêm quả kính cận "hà ry bót tơ" khiến cái đứa vừa đứng dậy kia không cần chứng nhận cũng biết là một con mọt sách đích thực.

Phân nửa lớp thở dài cái thượt. Lại là nó! Tại sao thời ô mai cấp 3 tươi đẹp lại phải học với một đứa quái dị thế này cơ chứ?

- Ý em là phần nào? - Cô giáo Ngữ Văn đẩy nhẹ gọng kính có chút hứng thú. Cuối cùng cô đã tìm được một hạt giống triển vọng trong cái đống thóc lép của lớp này rồi.

- Dạ thưa cô! Em thấy cách nhìn của cô có phần hơi phiến diện đoạn cuối ạ. Tấm lại trở nên như vậy không phải vì mẹ con nhà Cám hay sao ạ? Em nghĩ đấy không phải là ác độc, đấy là có oán báo oán.

- Nhưng em không thấy Tấm ra tay rất tàn nhẫn hay sao?

- Không ạ! Tấm bị gϊếŧ đến 4 lần, chưa kể bị mẹ con Cám đầy đọa trước đó. Như vậy có là gì?

- Cách nghĩ của em cũng có cái hợp lý. Vậy theo em cảm nhận cổ tích Tấm Cám muốn truyền tải điều gì? Cả lớp cho cô xin thêm ít phút nhé!

Và thế là cô cô trò trò, kẻ phát biểu người giảng giải cứ trao đổi như vậy trước mấy cái khuôn mặt ngơ ngác của lớp 10 Hóa. Cô ơi! Cô có nghe thấy tiếng gì không? Là tiếng tim chúng em lạnh giá đó.

TÙNG! TÙNG! TÙNG!

- Ôi thôi chết! Đã hết ra chơi rồi à? Cô xin lỗi nhé! Giờ chúng ta tiếp tục nào. Em ngồi xuống đi, lần sau chúng ta cùng thảo luận tiếp.

Vâng! Câu chuyện kinh dị nhất đầu tuần là gì? Hửm? Chính là trong một buổi sáng đẹp trời của ngày thứ 2, có một lớp tự nhiên ở cuối hành lang, học liền 2 tiết văn, liên tục, và KHÔNG RA CHƠI.

Linh ngoan ngoãn ngồi xuống, trong lòng vẫn không cảm thấy vui. Câu trả lời của cô giáo khiến nó không phục, không thỏa mãn chút nào. Nó cau có cắn bút và lại dúi mặt vào quyển sách, không hề để ý đến vài chục ánh mắt căm hờn đang chĩa thẳng vào nó. Nó khẽ rùng mình một cái. Quái lạ! Mới tháng 10 mà gió mùa đã về là thế quái nào nhỉ???

.

.

.

- Này! Học thêm giờ ra chơi có khiến cậu giỏi môn Văn hơn không? - Hết tiết! Lớp trưởng đi xuống phía Linh đập bàn cái bốp, vẻ mặt đầy đe dọa.

- Hả? - Nó ngơ ngác.

- Cậu học nhầm lớp phỏng? Đây là lớp chuyên Hóa, không phải lớp chuyên Văn đâu. - Lớp phó được đà hùa theo.

- Tính riêng lần này. Lớp ta có 41 đứa, trừ cậu ra là 40, mỗi đứa mất 5 phút ra chơi. Vị chi cậu làm tốn của cả lớp 200 phút, cậu sẽ bù đắp thế nào đây hả? Mà không phải có mỗi lần này, từ đầu năm đến giờ bọn này đã mất 56,5 lần ra chơi vì cậu. Có lẻ ra là do hôm qua cậu làm bọn này ra chơi muộn mất một nửa. Đây! Tui tính rất rành mạch, ghi chú đầy đủ trong sổ. Tui không có thèm tính điêu cho cậu dù đáng lẽ phẩy là phải làm tròn nhé! - Thủ quỹ tóc xù dí quyển sổ ghi nợ vào mặt nó.

- Mình xin lỗi - Nó cúi đầu, lí nhí đáp.

Lớp trưởng nhìn điệu bộ của nó, không khỏi thở dài một hơi:

- Linh này! Bọn tớ không phải là chèn ép gì cậu. Chỉ là, chúng ta là tập thể, nên đặt lợi ích chung lên trước. Nếu cậu thắc mắc gì thì gặp thầy cô hỏi riêng, đừng làm ảnh hưởng đến cả lớp.

- Ừm!... Mình hiểu rồi. Mình sẽ rút kinh nghiệm lần sau.

Lớp trưởng mỉm cười vỗ vai Linh hài lòng, sau đó vui vẻ đi về chỗ ngồi. Đâu biết rằng có một nụ cười quái dị hướng đến mình từ đằng sau.

Lợi ích chung á? Bà đây "ị" vào mà thèm. Cái gì mà 56,5 lần, đã thế từ giờ đến cuối năm đừng mong mà được ra chơi. Dám tính toán với bà, bà ghim từng đứa!

----------------- to be continue -----------------

Thêm Bình Luận