Chương 02: Bữa cơm đạm bạc có món thịt

Sau hai tuần dưỡng bệnh, sức khỏe Hương Lê căn bản hồi phục gần như hoàn toàn. Cô bắt đầu thực hiện những dự định mình hoạch định trong nữa tháng qua. Việc đầu tiên là bồi bổ hai thiên thần nhỏ mập mạp, trắng trẻo. Xem hai con đã bốn tuổi mà chẳng khác những đứa trẻ hai tuổi là bao, chân tay khẳng khiu gầy trơ xương. Bọn trẻ đang tuổi khôn, tuổi lớn, lúc này rất cần chú trọng dinh dưỡng, nếu không sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của các con. Trước đây, mỗi lần thu hoạch được bất cứ thứ gì có thể bán lấy tiền thì cô đều đem bán hết thảy. Ba mẹ con quanh năm cơm canh đạm bạc với những món rau xanh có sẵn trong vườn nhà, hiếm khi bữa cơm có thịt, có cá.

Rừng Sát cách nhà cô không xa lắm, có điều nơi đó quá hoang sơ, đường đi rất khó, cây cối um tùm mà lại vắng vẻ nên lúc xưa cô ít khi ra đấy lưới tôm cá. Cô không biết bơi nên thả lưới những chỗ gần, mà nơi đó đều bị mọi người lưới hết nên thu lưới chẳng được bao nhiêu, mất thời gian lại lỡ việc đồng áng. Vì vậy hầu hết thời gian cô lo chăm bẵm nương rẫy sẽ thiết thực hơn. Lần này cô không sống như trước kia, ưu tiên vì hai con mà suy nghĩ. Cô năng đi lưới cá tôm như vậy bữa cơm gia đình sẽ cải thiện được phần nào, có khi may mắn lưới được nhiều cá lớn, đem ra chợ đổi lấy thịt nữa là đằng khác.

Sáng nay dậy sớm, cô thu dọn nhà cửa, nấu luôn cơm trưa phòng mình về trễ không kịp thổi cơm. Phơi mấy bộ đồ mới giặt xong lên dây phơi, cô sang nhà thím hai nhờ trông giúp nhà cùng bọn trẻ. Xếp đặt mọi việc ổn thỏa cô mới yên tâm mang dụng cụ lưới cá hướng rừng Sát thẳng tiến.

Khi đi vào con đường rừng Sát, đất sình trơn trượt, hố nhỏ hố lớn nên cô cất dép đi chân đất. Nếu mang cả dép đi, chưa bị lún sình thì đã bị trượt ngã chỏng vó trước rồi, đó là kinh nghiệm của ngày đầu tiên vào rừng kiếp trước khó mà quên được, vừa bị ngã đau lại vừa xấu hổ, may mà không có ai ở gần chứng kiến tư thế khó coi của cô. Men theo lối đường mòn, đi lại đỡ khó khăn hơn, nơi đây có hai loại cây sinh trưởng rất tốt, đó là cây đước và cây dừa nước. Dừa nước mọi người chặt trái lấy nước và tách nhân dùng ăn chơi, giải khát. Cây đước chất liệu dẻo dai, mọi người thường đốn về rào giậu, đóng những loại chuồng trại nhỏ. Rễ đước cắm sâu dưới lòng bùn đất, chặt đi còn trơ lại gốc mọi nơi, sơ ý vấp phải chỉ biết tự chịu đựng cái đau sóc óc đến hoa cả mắt. Vì vậy, cô luôn bước đi thận trọng, tránh đạp vào những gốc ấy, đặc biệt những gốc mới chặt rất sắt bén, cứa vào chảy máu chứ chẳng đùa. Đến nơi thả lưới, cô tìm vị trí thích hợp liền thả xuống, trong lúc chờ thu lưới thì đi đào còng. Cô đã tính trước rồi, hôm nay đãi hai con món bún riêu và còng rang muối nên phải tranh thủ đào thật nhiều nhiều, có gì đem mời cả nhà chú thím hai nữa.

Bây giờ là thời điểm nước rút, trên nền đất sình, đám còng xanh – đỏ bò ngập mặt đất, thoáng bóng người đến chúng lủi xuống hang mất dạng. Cô ngồi yên bên miệng hang, con nào chực nhoi lên liền sấn bay chặn đường lui rồi bắt bỏ vào xô. Công việc cứ lặp đi lặp lại đều đặn cho tới khi cô thấy đủ dùng thì cũng đã là ba giờ sau đó. Lũ còng bị bắt thi nhau bò lên miệng xô hòng chạy thoát, cô cười nham hiểm, đắc chí trong lòng “Hôm nay vào tay bà thì tụi bây xui xẻo rồi nhé!” và hất ngược bọn chúng trở lại trong xô.

Đến chỗ giăng lưới lúc sáng, nhìn bọn cá tôm trong tấm lưới, mắt cô phát sáng lấp lánh, nhìn xem, thật là nhiều cá lớn và còn có vài ba con bạch tuột nữa, hôm này quả một ngày may mắn.

Dưới ánh dương gay gắt, quệt những giọt mồ hôi lăn trên trán, cô thư thái hít thở không khí mằn mặn xen lẫn bùn đất đặc trưng nơi này lại nhìn thành quả của mình từ sáng đến giờ cô cười thỏa mãn khúc hát trong lòng “Về nhà thôi!”

Hai chị em Mi chơi trò ô ăn quan trong sân, thoáng thấy bóng mẹ ngoài ngõ xa, vội buôn mấy viên đá cụi tròn lẵn trong tay xuống, xiêu vẹo chạy đến đón mẹ. Cả hai ngoác miệng cười tươi rói, đến khi nhìn thấy trong xô mẹ xách thật nhiều cá tôm thì hai con ngươi dường như xuất hiện bốn đốm lửa nồng nhiệt. Trước khi đi lưới, cô nói hôm nay nấu bún cho hai chị em ăn. Nhìn một xô đầy cá tôm, hai chị em không khỏi mong chờ.

Cu Bin chủ động nhận bình nước uống trên tay mẹ. Bé Mi nhận cái bay giúp mẹ. Hai chiếc miệng xinh xắn không ngừng hi hi ha ha, ríu rít hỏi han.

– Mẹ mệt lắm không? Mẹ bắt nhiều tôm cá quá!

– Hôm nay Mẹ nấu cá cho Bin và chị Mi ăn phải không?

Hương Lê mỉm cười dịu dàng.

– Đúng vậy, hôm nay sẽ nấu cho hai chị em ăn no căng bụng luôn mới thôi.

Nghe vậy, hai chị em nhảy lên hoan hô.

– A, thật là thích quá đi!

Nghe tiếng bọn nhỏ huyên náo, thím hai bỏ dở công việc trên tay nhìn qua hàng rào hỏi thăm. Hương Lê cảm ơn thím, đợi thím vào nhà thì ba mẹ con cũng đi vào nhà mình.

Cô để xô đựng cá bên sàn nước cho hai chị em canh chừng tránh mèo hoang vào ăn vụn, còn mình đi lại lu nước rửa mặt, vào nhà thay bộ đồ bẩn ra. Thay xong quần áo sạch cảm thấy thật thoải mái, cô lại giếng múc nước đổ đầy một chậu nhỏ, rồi cho số còng trong xô vào rửa qua hai nước. Tiếp đó cô ngâm bọn chúng trong nước giếng, đậy lên một cái rổ và đè thêm một cục đá để bọn còng không bật rổ bung chạy. Việc ngâm còng với nước giếng là để chúng nhanh chết, cô sợ trong khi sơ chế sẽ bị bọn chúng kẹp thì rất là đau.

Tôm, cá rửa sạch để ráo, phân thành từng bịch vừa đủ dùng rồi cô cất vào thùng xốp để sẵn đá cây và muối hột cô mua chiều hôm trước, như vậy tôm cá không bị ươn, nấu được vài ngày.

Cơm trưa đã có, cô nấu thêm một nồi canh cá nấu ngót, một đĩa rau dền luộc. Canh chín, vớt cá rẽ xương, để thịt vào một chiếc dĩa nhỏ, thêm một chén nước mắm để hai con chấm ăn. Còn mình, cô ăn rau luộc với cà pháo chấm mắm tôm.

Phần hứa với con, buổi chiều cô sẽ nấu, hai bé nghe mẹ cam đoan thì vui vẻ ăn cơm, nói sao thì trưa nay ăn cơm ngon hơn mọi ngày, mẹ nấu luôn hai con cá to, có thật nhiều thịt cá và nước canh lại ngọt nữa.

Chiều đến.

Đám còng đã chết, Hương Lê rửa kỹ hết bùn đất rồi chỉ hai con cách tách chân và mình để riêng. Chân còng đem giã nát lọc nước nấu bún riêu, mình còng cô làm món còng rang muối ớt.

Hai con biết cách tách chân và mình để riêng, cô yên tâm để chúng làm còn mình ra ngoài mua vài thứ gia vị. Cô nói với bọn trẻ.

– Hai đứa tự làm nhé! Mẹ phải ra ngoài mua ít đồ.

Hai chị em gật đầu lia lịa, cam đoan sẽ làm tốt việc mẹ giao.

– Dạ mẹ.

Ghé chợ.

Cô mua hai miếng đậu hũ chiên, nữa ký bún, hành ngò, rau muống, giá… sau vườn có rau thơm, chanh và cà chua cô không phải mua. Dù vật liệu còn thiếu nhiều nhưng thế này đã quá tốt rồi, trước đây cô luôn tiết kiệm nên đồ ăn rất ít đừng nói là những món ăn như thế này.

Về đến nhà.

Cô nhắc nồi nước riêu lên bếp củi và tranh thủ bào rau muống, bún riêu ăn với rau gém là đúng điệu. Vì rau này ăn sống, bào xong cô ngâm nó chung với các loại rau thơm, giá qua nước muối loãng khoản mười lăm phút, ăn rau không bị đau bụng hay mắc bệnh giun sán.

Nồi nước sôi, cô cho lần lượt những thứ mình chuẩn bị trước đó: Cà chua băm ninh nhừ, tôm băm đã xào sơ, đậu hũ cắt miếng vuông, hết thảy cho vào nồi nước. Nước sôi lại, nếm vừa ăn cô nhắc xuống tiếp tục làm món còng rang muối.

Món còng rang mới lạ với người dân ở đây, cô múc một dĩa lớn đem qua mời chú thím Hai. Kiếp trước và kiếp này gia đình chú thím luôn chiếu cố nhà cô rất nhiều, cô không biết phải làm sao mới trả hết món nợ ân tình này. Thím hai nếm một chú còng rang thì thích lắm, không nghĩ mấy con còng xanh đỏ rang lên, chấm nước tắc giã ớt lại ngon đến thế. Thím hỏi cô cách chế biến, lần sau thím tự làm cho cả nhà ăn. Thấy thím muốn học hỏi cô liền nhiệt tình chỉ bí quyết. Thím nghe mà gật đầu liên tục cám ơn cô, trong khi người phải cám ơn là cô mới đúng.

Hai con ngồi bên bàn con đang hì hục ăn món còng ran, thấy cô về bọn trẻ luôn miệng suýt xoa khen ngợi, nói lần sau cô làm tiếp món này cho chúng. Cô hứa rãnh sẽ làm tiếp cho bọn trẻ ăn.

Vì nấu cả bún riêu nữa, lúc nãy cô cho bọn trẻ ăn một dĩa nhỏ nên có vẻ bọn trẻ còn thòm thèm. Thời gian dài ăn chay, nay ăn mặn nhiều quá sẽ không tốt cho bao tử bọn trẻ. Việc ăn uống cô sẽ điều chỉnh tăng sao cho thích hợp nhất.

Sau nữa giờ để bọn trẻ tiêu thực, cô nấu lại nồi nước dùng, chuẩn bị cho hai con ăn bún. Bún tươi trụng qua nước sôi, cho vào tô, cô xắn nhỏ sợi bún để hai con dùng thìa ăn thuận tiện, rắc lên một ít lá hành ngò, nước dùng sôi liền chan lên, bê lại bàn hai con ngồi đợi sẵn. Nhìn tô bún thơm ngon, màu sắc đẹp mắt, bọn trẻ không khỏi nuốt nước miếng ừng ực nhưng không hề đυ.ng đũa, chúng đợi mẹ lại cùng ăn. Cô mỉm cười bảo hai con ăn trước, rất nhanh mình lại ăn liền, lúc này hai chị em mới vui vẻ cầm muỗng lên ăn.

Hôm nay nấu nhiều, trong bếp có nhiều than hồng, để không thật tiếc, cô nhắc nồi nước trắng chút pha ra cả nhà cùng tắm thì không còn gì bằng, sau đó mới lại bàn cùng ăn với hai con.

——————

Việc tiếp theo cô dự định là tăng sinh ý trong nhà. Nuôi heo là việc thiết thực nhất, hàng ngày bỏ chút công sức mà thôi, cuối năm lấy tiền cất vào là thật. Chuồng heo đợt trước đẩy đi không tẩy rửa, vì cô có ý định dời lên thành phố sống nên không có ý định nuôi heo nữa. Mất một này tẩy rửa cuối cùng cũng xong. Đợi thêm hai tuần có thể bắt một cặp về thả chuồng, có thể kịp bán luôn trước tết.

Ngày thả hai chú heo con vào chuồng, chúng lạ chuồng nên liên tục khịt mũi, miệng kêu eng éc, đi quanh chuồng không biết mỏi mệt. Thấy vậy cô ra vườn hái ít dây lang thả vào, có thức ăn chúng mới dần yên ổn, tuy mắt dáo dác đề phòng xung quanh nhưng miệng không rời mấy cọng rau trước mặt.

Bọn trẻ cứ đứng nhìn mãi hai chú heo con, kêu vào cũng không chịu nên cô kệ chúng chơi chán rồi vào sau.

Cô có một công ruộng nước và hai công đất rãy. Đất rãy trồng khoai lang, đậu đỗ và bắp. Đất ruộng trồng lúa nước. Sắp tới chuẩn bị gieo mạ, cô dự định thuê hai cha con chú Bảy cày, xới, băm đất giúp. Nhờ vả nhà chú thím hai thật quá ái ngại, ngày mùa nhà chú thím bận còn hơn cả nhà cô nữa. Chú Bảy nói qua tuần chắc chắn sẽ dẫn bò đến cày ruộng nhà cô nên cô không phải lo lắng không kịp làm đất. Ruộng được trục tơi đất, cô chỉ cần ban lại cho đều, nhặt cỏ, dẫn nước vào ruộng sau đó gieo mầm lúa nữa là xong.

Cô gieo lúa khác những nhà khác, người ta gieo mạ dầy vào một thửa ruộng, đợi đủ tuần tuổi nhổ cấy vào các thửa ruộng khác. Cô không làm vậy mà xạ luôn mầm lúa đều các thửa ruộng nhà mình. Đợi mạ đủ tuổi, cô tỉa bớt chổ dầy dặm chổ thưa là được.

Sau một tuần chuẩn bị đất và gieo mạ hoàn tất, nhiệm vụ lúc này của cô là ngày ngày ra thăm đồng, xem lượng nước trong ruộng đủ chưa (không để thừa mà cũng không để thiếu) như vậy mạ non mới phát triển tốt được.