Chương 1: Đêm mưa, gửi thư cho người phương Bắc(*)

“Bức họa không tồi!” Một tay Hoàng đế nâng bức tranh sơn thủy lên để thưởng thức, một tay xoa cằm: “Đệ nói xem nên đề thơ gì?” Ngài nghiêng đầu sang hỏi người đứng bên cạnh.

Cạnh đó là một nam tử dáng người thẳng tắp, một thân thường phục đen tuyền, đĩnh đạc đường hoàng, toàn thân tỏa ra một khí chất lạnh lùng khó có thể xâm phạm, nheo mắt nhìn bức tranh.

Đó là một bức hoành thư, trên trang giấy tuyên thành trắng ngần là ngọn Vân Tiêu cao ngất dựng chênh vênh, mây đen từng dải vần vũ quanh đỉnh núi, cơn mưa rào xối xả trút xuống, từng ngọn gió sắc lém cứng cáp như muốn đánh bật những cành liễu mong manh, cả bức tranh sinh động như đang chuyển động.

Hoàng đế đứng dậy, lấy con ấn của mình đóng lên trên tranh, nói tiếp: “Đệ biết Tử Vãn tiên sinh chứ? Phong cách của ông ấy quả thực là độc nhất vô nhị, trong kinh thành cũng bán không ít tranh giả danh đâu. Trẫm hiếu kỳ, cho người đi nghe ngóng một phen, vậy nên cũng biết được một hai. Tính ra hắn cùng một thầy với trẫm, đệ tử của Cố Đãi Chiếu tiên sinh.”

Nam Tử kia mang theo mấy phần hiếu kì hỏi: “ Thần nhớ, Cố Đãi Chiếu thuộc Ngô phái, bức họa này sao lại không giống với kiểu tinh tế thanh tú thông thường trong các tác phẩm của Ngô phái, trái lại lại có ý nghĩa mộc mạc khoẻ khoắn.”

“Vị Tử Vãn tiên sinh này có trường phái của riêng mình, bút pháp tranh sơn thủy cứng cáp dứt khoát, nào giống vẻ tinh tế uyển chuyển của văn nhân.”

“Thần là người thô kệch, không hiểu được những thứ văn nhã này. Theo ngu kiến của thần, bài thơ ‘Dạ Vũ Ký Bắc’ của Lý Thương Ẩn xem chừng cũng khá phù hợp.” Vô vàn hồi ức trôi theo dòng cảm xúc thi nhân, cuối cùng cô đọng lại trong hai câu thơ “Ngày về khó hẹn cho nhau - Ba Sơn mưa tối hồ thu nước đầy”

Hoàng đế nghe xong cười: “Lão Thất luôn nói mình là người không hợp với văn chương, trẫm lại không thấy như thế, bài thơ này đề lên vừa hay thích hợp.” Dứt lời, ngài ngay lập tức cầm bút viết xuống.

Hiện tại đang là mùa xuân năm Gia Hòa thứ hai. Quốc thái dân an, nhân tài lớp lớp.

Thái Tổ trọng võ khinh văn, trong ngục có không biết bao nhiêu văn nhân đã bị đưa lên đoạn đầu đài, lòng người kinh hãi, văn học dè chừng. Các họa sĩ cũng biết ý hùa theo người trên, họa phong tối giản, chủ ý muốn lấy lòng. Văn học nghệ thuật không phát triển bằng thời nhà Tống, thậm chí còn lạc hậu hơn. Cả tư tưởng và tinh thần của con người đều bị bó hẹp và trói buộc.

Cho đến thời Tiên Hoàng, học theo các triều đại trước, khởi xướng lại Hàn Lâm viện, tình hình mới có điểm khởi sắc.

Từ nhỏ Gia Hòa đế đã lớn lên trong thi thư, thấm nhuần các tư tưởng về văn hóa, nghệ thuật, là một hoàng đế yêu thích thi họa, thơ phú. Ngô sư phó lại là người theo trường phái hội họa, nét chữ cũng nghiêng về vẻ phóng khoáng, cách điệu; để khôi phục sự hưng thịnh của của hội họa Tống phái, hoàng đế liền ban cho ông một chức quan.

Nhưng vị Hàn Lâm viện học sĩ Cố Đãi Chiếu thuộc Ngô phái này, trước đây không lâu lấy lý do thân thể hư nhược xin cáo quan về Tô Châu, đã thoái ẩn hơn 4 năm. Đầu năm nay, bỗng xuất hiện một vị Tử Vãn tiên sinh tài năng kiệt xuất, phóng khoáng tự tại, lại mang chút dáng dấp phiêu dật khí khái của Cố lão tiên sinh khi xưa, điều tra mới biết hắn chính là đệ tử đi ra từ Ngô phái.

Hoàng đế bỗng nhiên cảm thấy vô cùng hứng thú, ngài viết xong một tập khuyết thơ, cuốn lại bỏ vào bọc, rồi nói với thái giám đứng hầu bên cạnh: “Trẫm đã cho người đến chỗ Cố Đãi Chiếu dò la vị trí của vị Tử Vãn tiên sinh này, nghe nói giờ hắn đang ở Hàng Châu, ngươi đi một chuyến tìm hắn, trẫm thật hiếu kì muốn gặp vị Tử Vãn tiên sinh nổi danh thiên hạ này.”

Vị thái giám cung kính chắp tay: “Thưa thánh thượng, nô tài lập tức lên đường.”

Huyền y nam tử trong phòng, thần hồn không biết đã bay đến tận nơi nào, mắt dán chặt vào bức tranh không chớp. Hoàng đế thấy vậy, không khỏi nghi hoặc: “Không bằng trẫm tặng đệ bức họa này? Nhìn đệ thực sự yêu thích không thôi.”

Nam tử kia khôi phục thần hồn, cười khẽ đáp: “Nếu được hoàng huynh tặng bức họa quý này, thần đệ quả là vui mừng không gì tả xiết, nhìn bức họa nhớ cố nhân, cũng giải trừ bớt nỗi hoài niệm trong lòng.”

Hoàng đế thong dong thổi thổi nét mực mới, ngón tay khẽ mơn trớn tờ giấy tuyên thành trắng muốt, đến khi mực khô mới đem bức tranh giao cho cung nhân bên cạnh. Tên thái giám đứng bên nhanh nhẹn bước lên, đón lấy, cẩn thận cuốn lại, cung kính nói: “Thất vương gia, xin cất kỹ.”

Nam nhân huyền y này chính là bào đệ của đương kim thánh thượng, Vĩnh Lạc vương, Chu Trăn, đứng hàng thứ bảy trong các hoàng tử của tiên đế.

Thất vương gia tiếp nhận họa trục từ tay thái giám, nhẹ nhàng bước lên: “Vậy, thần đệ xin đa tạ bệ hạ ban thưởng.”

Hoàng đế khoát tay áo, ngồi trở lại bàn, “Không cần đa lễ. chỉ là bức họa có đề chữ và ấn của trẫm.” Ngài đặt gọn nghiên mực vào một góc bàn hỏi: “Chờ khi nào Tử Vãn tiên sinh này tiến kinh, đệ có muốn cùng trẫm đi gặp người này một lần?”

Trên đời này Chu Trăn sợ nhất mấy kẻ thư sinh một bụng kinh luân, há miệng là nói thi thư lễ nghĩa, nghe thấy thế liền vô thức cự tuyệt: “Thần đệ không…”

“Trẫm cho là mấy năm nay đệ ở trong phủ thanh tịnh, tu tâm dưỡng tính, cũng hiểu được tri thư đạt lễ, biết thưởng thức cái văn nhã, ý vị của thơ họa. Chẳng lẽ vẫn giống như trước kia suốt ngày chỉ biết ăn chơi đàn đúm, tầm hoa vấn liễu khắp đường ngang ngõ dọc của kinh thành?”

“Thần đệ đã tu dưỡng nghiêm chỉnh không còn vậy nữa thưa hoàng huynh.” Chu Trăn sững sờ, không hiểu sao Hoàng Đế bỗng dưng nhắc lại chuyện xưa của hắn.

“Mẫu hậu luôn trăn trở chuyện hôn sự của ngươi, giờ muốn cả trẫm cũng phải lo lắng chuyện nhà cho ngươi nữa hay sao?”

“Thần đệ không dám.” Hắn chắp tay, sợ hãi nói.

Mấy năm trước hắn nổi tiếng ăn chơi phong lưu trác táng, yêu thích nơi phong trần, ngày ngày chìm đắm trong nhuyễn ngọc ôn hương, náo loạn đến độ khắp kinh thành đều biết, cũng vì vậy mà vương phủ mới mãi không có Vương phi. Những năm gần đây hắn đã thu liễm đi không ít, ngày thường đều không ra khỏi phủ, chỉ khi cần luyện binh, điểm quân mới ra ngoài, nhưng vương phủ vẫn như trước không tìm được Vương phi chủ mẫu.

Đặc biệt kì quái là không biết từ đâu có tin đồn hắn là Long Dương chi phích. Mấy tên hoạn quan Đông Xưởng nghe phong thanh được tin này liền vội vàng dâng tặng mấy tiểu quan khả ái để nịnh nọt, lấy lòng hắn.

Chu Trăn vừa tức giận lại buồn cười, chẳng lẽ người mấy năm trước nổi tiếng khắp các con phố hoa, công tử phong lưu bậc nhất kinh thành là giả ư?

Thái hậu sốt ruột chuyện hôn sự của hắn, thái hoàng Thái Hậu cũng nhất mực quan tâm; hàng năm mỗi lần tổ chức tuyển tú đều giúp hắn chọn vài người, nhưng đều bị hắn từ chối.

Ai có thể quản được vị thất vương gia này chứ? Chẳng ai có thể quản chế được vị vương gia ngang ngược, càn rỡ này, đến cả hoàng đế bệ hạ cũng dung túng hắn ba phần. Hoàng đế vừa đăng cơ, thất vương không thể không vào triều phò tá, cũng vì lăn lộn với đám quan văn mà tính tình thu liễm đi không ít, bớt đi cái tính hoàn khố trước đây, nhưng mỗi cái giơ tay nhấc chân vẫn như trước toát ra một cỗ phong lưu, tuấn lãng.

Hoàng đế cũng lười quản chuyện hôn sự của hắn, nhưng thái hậu năm lần bảy lượt sai người đến nhắc nhở, thúc dục, ngài chỉ đành bất đắc dĩ thở dài: “Mẫu hậu nhắn đệ có thời gian thì qua thăm người.”

Chu Trăn á một tiếng, ôm bức họa kia vào ngực, chắp tay nói: “Vậy thần đệ vấn an mẫu hậu. Thần đệ cáo lui.” Dứt lời liền ra khỏi Dưỡng Tâm Diện.

Hoàng đế nhìn bóng lưng phong lưu, tiêu sái của hắn, khẽ lắc đầu.

(*) Giải thích tên chương

Nguyên gốc: 夜雨寄北 (Dạ vũ ký bắc), là một bài thơ của Lý Thương Ẩn, theo nhiều lý giải thì đây là bài thơ Lý Thương Ẩn viết để bày tỏ sự nhớ mong người thương nơi chốn xa.

Dạ vũ ký bắc

Quân vấn quy kỳ vị hữu kỳ

Ba sơn dạ vũ trướng thu trì

Hà đương cộng tiễn tây song trúc

Khước thoại Ba Sơn dạ vũ thì

--Dịch Nghĩa--

Bạn hỏi ngày về, chưa hẹn được ngày

Mưa đêm núi Ba đầy tràn ao thu

Bao giờ ở cửa sổ hướng tây, cùng nhau chong đèn

Lại cùng trò chuyện về lúc mưa đêm ở núi Ba

Chú thích : Núi Ba ở bài này chỉ những ngọn núi vùng Tứ Xuyên nói chung

--Bản dịch của Tương Như --

Đêm mưa gửi người phuơng bắc

Ngày về khó hẹn cho nhau,

Ba Sơn mưa tối hồ thu nước đầy

Bao giờ chung bóng song tây

Còn bao nhiêu chuyện núi này mưa đêm!